Hiệp hội VARISME tiến tới hợp tác toàn diện với huyện Đức Cơ
Theo: Tạp chí Doanh nghiệp Thương hiệu nông thôn
DNTH: Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Theo mục tiêu quy hoạch đến năm 2050, Tây Nguyên sẽ là vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa…
Từ ngày 13 đến 16/9, ông Nguyễn Ngọc Quang-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam (VARISME) cùng với một số thành viên Hiệp hội, doanh nhân, doanh nghiệp có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Tại Đắk Lắk, Chủ tịch Hiệp hội VARISME cùng các thành viên trong đoàn đến tham quan Nhà máy đóng gói, chế biến trái cây rau quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Tropivina Daklak tại huyện Ea Kar; vựa sầu riêng nổi tiếng huyện Krông Pắc; vườn vải thiều khoảng 15.000 ha huyện Ea Kar; Hiệp hội VARISME, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn cùng đơn vị đồng hành-nhãn hàng Hismart thăm, tặng hơn 3.600 ly sữa cùng 500 miếng bỉm cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.


Tại huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), đoàn công tác tham quan Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Quốc môn tại cửa khẩu Lệ Thanh, mốc Quốc giới số 30 (Việt Nam – Campuchia), thăm và tặng gần 2.200 ly sữa nhãn hàng Hismart tại Trung tâm Y tế huyện…

Trước đó, Hiệp hội VARISME, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn cùng đơn vị đồng hành-nhãn hàng Hismart thăm, tặng sữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương…
Góp phần xây dựng huyện biên giới vững mạnh
Theo thống kê, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh hiện có 40 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 643,87 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ước thực hiện 266,55 tỉ đồng, đạt 41,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quang, chuyến công tác tại huyện Đức Cơ lần này đạt kết quả tốt. Các đồng chí lãnh đạo địa phương rất ủng hộ, muốn hợp tác toàn diện với Hiệp hội VARISME để các hội viên tham gia đầu tư, tìm nguồn hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, góp phần kích cầu tiêu dùng hàng hóa Việt Nam. Lãnh đạo địa phương ủng hộ các hội viên Hiệp hội thành lập nhà máy, thậm chí khu chế xuất tại Đức Cơ.
“Tây Nguyên là vùng đất trù phú, màu mỡ, phù hợp với ngành nghề nông nghiệp, nông thôn. Sắp tới sẽ có hội viên của Hiệp hội thành lập nhà máy sấy một số sản phẩm nông sản tại huyện Đức Cơ xuất khẩu sang Trung Quốc, tìm cách đưa một số mặt hàng Trung Quốc mà Việt Nam thiếu, cần thiết để giúp bà con sản xuất, theo cả hai chiều. Đồng thời, đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch các vùng nông thôn, du lịch sinh thái ở nước ta, tăng thu nhập cho người dân.
Hợp tác toàn diện giữa Hiệp hội với huyện Đức Cơ, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Hi vọng sau này đây là một trong những địa chỉ đỏ, mô hình mẫu để lan tỏa tới các vùng biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số khác trong cả nước, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định tình hình an ninh -chính trị cho khu vực Tây Nguyên”, Chủ tịch Hiệp hội VARISME cho biết.
Đức Cơ là một trong 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai gồm 9 xã, 1 thị trấn với 35 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Huyện có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với nhiều tiềm năng giao thương phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Trần Ngọc Phận – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-chia sẻ: “Chào đón đoàn công tác đến thăm, làm việc tại huyện Đức Cơ, nhân dịp này chúng tôi giới thiệu khái quát về tiềm năng, thế mạnh của huyện. Qua đây, mong muốn Chủ tịch Nguyễn Ngọc Quang kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước đến tìm hiểu, đầu tư, sản xuất, chế biến các sản phẩm và tìm thêm đầu ra cho nông sản; góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới.
Huyện đã xây dựng phương án phát triển Cụm công nghiệp huyện Đức Cơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích 75 ha tại thôn Ia Kăm, xã Ia Kriêng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung của tỉnh. Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, phù hợp với tình tình phát triển kinh tế địa phương, phát triển cụm công nghiệp đến xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến sấy các sản phẩm nông sản để phục vụ tiêu thụ các sản phẩm sạch của địa phương, như sấy khoai lang, sầu riêng, xoài, chuối… hướng đến xuất khẩu. Phía địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án”.
Nông nghiệp là lĩnh vực phát triển kinh tế chủ lực của huyện, Đức Cơ hiện có 13.000 ha cây cao su, cây điều 26.000 ha, cây cà phê 9.000 ha, sầu riêng gần 1.000 ha, hồ tiêu 680 ha và các loại cây ăn quả khác; phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung và phát triển nhiều sản phẩm OCOP.
Toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP (trong đó có 03 sản phẩm OCOP 4 sao và 25 sản phẩm OCOP 3 sao). Huyện Đức Cơ đã được Trung Quốc cấp 05 mã số vùng trồng sầu riêng để xuất khẩu. Trong năm huyện cũng đã tích cực triển khai thực hiện các dự án: xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, kế hoạch phát triển thương mại cho sản phẩm yến sào Đức Cơ; sầu riêng Đức Cơ; xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Heo Broong Đức Cơ-Gia Lai, xây dựng nhãn hiệu Yến Sào Đức Cơ…
Một số hình ảnh Chủ tịch Hiệp hội VARISME thăm và làm việc tại Tây Nguyên:







Minh Vỹ